Never Let Me Go








MÃI ĐỪNG XA TÔI

Học sinh ở Hailsham là những đứa trẻ đặc biệt. Tại đây chúng được nuôi dưỡng, học tập, vui chơi một cách hết sức bình thường, được phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần trong một môi trường tốt nhất. Chỉ có điều, cái duy nhất mà chúng thiếu, so với những người bình thường khác, lại là thời gian. 


 Never let me go đã xây dựng nên một câu chuyện đầy day dứt, ám ảnh và tràn ngập sự hoài nghi về một thế giới khác thế giới chúng ta đang sống - thế giới nhỏ bé của Kathy, Ruth và Tommy. Ngay từ nhỏ, cả ba đã được giảng dạy về chính bản thân chúng, chúng biết hết tất cả, biết mình là ai và biết mình sẽ làm gì, biết luôn cả kết cục của cuộc đời mình sẽ ra làm sao, sẽ chết như thế nào. Nên chúng không hề có ảo tưởng hay mong đợi về số phận, về định mệnh, về những thay đổi bất ngờ, chúng chỉ theo bản năng loay hoay tìm cách nắm chặt lấy tay nhau, quờ quạng với lấy những cơ hội mong manh để có thêm thời gian được sống bên nhau. 


“Chúng đã yêu nhau suốt cuộc đời. Nhưng rốt cuộc cũng không thể ở bên nhau mãi mãi”.


Và khi cuộc đời bạn không có tương lai, con đường phía trước đã được người khác sắp đặt sẵn,  thì quá khứ dường như là lối thoát duy nhất. Có lẽ vì vậy mà Kazuo ishiguro đã dẫn dắt câu chuyện bằng dòng ký ức của Kathy. Những mảng ký ức được chắp vá hết sức điêu luyện bằng ngòi bút bình thản, nhẹ nhàng đã thành công tuyệt đối trong việc xây dựng nên cá tính, hoàn cảnh nhân vật. Lối kể của ông không đặc sắc đến mức cuốn phăng đi tâm tưởng của ta, nó chỉ khiến chúng ta đứng lơ lững trên ranh giới của hiện thực và tiểu thuyết, cảm giác như ta đang ngồi trên bãi biển và ngắm nhìn thời khắc của ngày tàn, từng đợt sóng lăn tăn hòa vào ánh sáng, vào cát biển, vào những cơn gió bất chợt thổi đến, lúc mạnh, lúc nhẹ. Mọi thứ khá rõ ràng trước mắt ta nhưng lại khiến ta nghĩ ngợi về điều gì đó xa xăm hơn nữa, khiến ta mơ mơ màng màng bước vào khoảng lặng của thời gian.


Khi ta đặt chân vào lãnh địa đó, ta có thể dễ dàng nhận thấy xung quanh mình đầy ắp những chi tiết ẩn dụ, đẹp và đặc sắc đến động lòng người, ví dụ như những hình vẽ nguệch ngoạc của Tommy, chiếc thuyền mắc cạn giữa đầm lầy, sự biến mất của Hailsham, … thậm chí cả tính cách của các nhân vật cũng là những chi tiết ẩn dụ đắt giá: Ruth sốc nổi, nhưng lại đầy cá tính, luôn thể hiện mình là một học sinh Hailsham nổi trội như thể cô là đại diện cho những học sinh khác. Loay hoay tìm cách học hỏi, gồng mình hòa nhập vào cuộc sống, gắng gượng để nổi bật đến cuối cả cuộc đời, bỗng dưng cô thực sự trở thành đại diện lý tưởng của cái ý niệm “chúng ta không hề khác biệt” - vốn đã bị phủ định ngay từ thời điểm ban đầu. 


Nếu nhắc đến những chi tiết ẩn dụ mà không nói đến “Lost corner” thì quả là một thiếu sót lớn. “Lost corner” được Ishiguro chơi chữ với ý nghĩa vừa là góc thất lạc – nơi mà bạn sẽ tìm lại được những gì đã mất, vừa là góc khuất – nơi mà bạn sẽ khó lòng tìm lại được. Trong truyện, Norkfolk được định nghĩa như là một “Lost corner” của Anh, tất cả những món đồ bị thất lạc trong cả nước đều tập trung về đấy. Cái định nghĩa ấy nhanh chóng biến thành câu nói cửa miệng của học sinh hay trở thành một phần trong các chuyện đùa để an ủi lẫn nhau. Kathy và Ruth thì không coi đó là một trò đùa và vẫn luôn xem Norkfolk như một nơi để hướng về tìm kiếm khi đánh mất cái gì đó. “Góc khuất” xuất hiện không như một thứ niềm tin vững chắc, càng không phải là niềm hy vọng về tương lai, nó chỉ như một thứ gì đó để an ủi, để con người ta hoài niệm và quay trở lại khi họ còn có đủ thời gian. “Góc khuất” chỉ đơn thuần như một khoảng không để lưu giữa những kỷ niệm của đời người, và Kathy phóng xe trên mọi nẻo đường của đất nước để đi tìm lại nơi ấy, hay phải chăng “Góc khuất” là tận trong sâu thẳm của con người, là trái tim, là tình cảm, là niềm yêu thương, là những khoảnh khắc hạnh phúc, và sẽ không ai có dịp chạm vào nó lần nữa. 


Ở đâu đó, tại một thời điểm nào đó, ta lại có dịp bắt gặp những hình ảnh tinh tế, giàu cảm xúc. Chúng đôi lúc chân thật đến mức khiến ta tưởng rằng chỉ một lát nữa thôi, cái hình ảnh Kathy đứng đung đưa đứa con giả định trên tay mình rồi ngân nga câu hát “never let me go” sẽ bật ra ngoài những trang sách, nỗi đau đớn của Ruth khi thét lên rằng: “chúng ta được tạo ra từ rác rưởi” sẽ đập thật mạnh vào tim ta, tiếng gào khô khốc đến khản cổ của Tommy khi mất đi luôn cả cơ hội cuối cùng được sống tiếp sẽ vang xa đến tận tâm tưởng của ta,… Nhưng không, Ishiguro không hề để nó đi xa như thế. Trước khi nó kịp bùng nổ trước mắt độc giả thì ông đã lạnh lùng dập tắt mọi thứ, cố gắng ngăn chặn một giọt nước mắt nữa sẽ rơi, cố gắng giữ mọi thứ ở khoảng giữa, khoảng lưng chừng để cái cảm xúc ấy nhanh chóng trở thành một phần của ký ức, của hoài niệm.


Ngoài văn phong bình thản gần đến mức dửng dưng, điểm đặc sắc khác của tiểu thuyết là cách miêu tả sự vật dưới góc nhìn của nhân vật chính. Tác giả không những xây dựng nên không khí mờ ảo, vô định của miền ký ức, mà song song đó còn mở ra một khoảng không thật rộng lớn ở thực tại, nơi sở hữu tất cả những thứ gợi nhớ về quá khứ. Để rồi bất chợt, khi Kathy kể thật nhiều, thật nhiều về cuộc đời cô ấy thì ta chợt nhận ra được rằng, Kathy đã chịu đựng sự mất mát và cô đơn lớn đến nhường nào. Nhưng cô không hề đau đớn mà lại bình thản một cách lạ thường. Phải chăng cô đã quá quen với việc để ký ức chiếm trọn lấy tâm trí của mình như thế, hay là … hay là phải chăng chính độc giả chúng ta cũng không hề cảm thấy đau trước số phận của nhân vật. Ừ thì, Kathy đã trải qua tất cả những biến cố lớn nhất đời mình rồi, những gì còn sót lại thì mờ nhạt lắm, cho nên nỗi đau chắc cũng không hề hấn gì với trái tim vốn dĩ đã tổn thương thật nhiều của cô. Còn chúng ta, chúng ta vốn dĩ không phải là họ, làm sao có thể đau nỗi đau của họ, làm sao có thể buồn nỗi buồn họ. 


Nhưng bạn biết không, chúng ta đang tự tin để phân tích về điều này bởi chúng ta có đầy đủ niềm hy vọng về một tương lai xa hơn, tốt đẹp hơn, kể cả khi chúng ta không nhận thấy thì chúng ta cũng mặc nhiên nghĩ câu chuyện phía trên chỉ có trong tiểu thuyết. Chúng ta “tin” rằng thế giới sẽ không sử dụng những “con người” với mục đích hiến nội tạng đến khi họ sức cùng lực kiệt. Và đã là niềm tin thì sẽ không bao giờ mất đi, bởi hy vọng vẫn còn đó, luôn luôn.


Kathy, Ruth, Tommy thì không có quyền hy vọng.







Hay họ không biết đó là một đặc quyền của con người?


Comments